Blog huyền học

Blog huyền học

Kinh dich – Quẻ 7 – Địa thủy sư

Quẻ 7: Địa Thủy Sư


(Mr. Park Ji Chung)

Sư là quân đội, quân sự, tướng lĩnh, quân sư. Sư là thầy giáo, thầy tu, thầy thuốc, … Sư là đạo luật, quân luật, quy định của công ty, lớp học. Sư là đạo người cầm quân, đạo làm thầy, đạo trung chính, sự tôn ti trật tự. Một hào Dương làm chủ bầy Âm, tượng của thống trị, thống lĩnh, chỉ huy, điều khiển và dạy dỗ. Hào Dương đắc trung, là tướng giỏi, là thầy giáo giỏi, là quân sư tốt.

“Vạn đại quân sư Gia Cát Hầu, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn”
hay “Tam phân thiên hạ Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn”.

Ngoài các vị Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn, Tôn Tử, Quản Trọng, Nhạc Nghị… nước Việt Nam ta cũng có Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Quốc sư Triều Lý Nguyễn Minh Không, Nguyễn Trãi,.. những vị thánh nhân đó ứng với ngôi hào 2 dương đắc trung, được hào lục ngũ hỗ ứng. Do đó, trên thì nhận được sự tin tưởng của chúa công, nhà vua, dưới thì được sự ủng hộ của quần chúng, dân nhân, dấn đến sự nghiệp kháng chiến, khởi nghĩa, cách mạng mới được thành công. Cũng như, Hồ Chủ tịch giao toàn quyền chiến dịch Điện Biên Phủ cho đại tướng Võ Nguyên Giáp, chứng tỏ sự tin tưởng tuyệt đối của Bác Hồ giành cho tướng chỉ huy ngoài mặt trận. Tuy nhiên, trước khi nhận được sự tin tưởng từ cấp trên, tướng lĩnh phải thể hiện được tài năng, lòng trung thành, sự chuyên tâm, nhiệt huyết phục vụ cho sự nghiệp. Các vị thầy nối tiếng như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà giáo Chu Văn An, đức Khổng Tử, tuy chỉ ở ngôi hào 2 thấp dưới nhưng đến cả hào 5 cũng phải kiêng nể, kính trọng. Điển hình như Chúa Nguyễn, chúa Trịnh hay vua Mạc cũng phải đến thỉnh giáo ý kiến của Trạng Trình về những việc trọng đại.

Tam tự Kinh viết:

“Dưỡng bất giáo, phụ chi quá
Giáo bất nghiêm, sư chi nọa”

Quân đội hay công ty không có kỉ luật, kỉ cương thì sớn hay muộn cũng tan rã, thất trận, phá sản. Để thi hành sự nghiêm minh thì người đứng đầu, chỉ huy, giám đốc, thầy giáo phải gương mẫu chấp hành chính những quy định, quy tắc trước tiên. Điển hình như, trong một lần dẫn quân đi chinh chiến, Tào Tháo có đi qua một vùng toàn ruộng lúa chín. Dân chúng thấy binh lính kéo đến thì đều chạy trốn, chẳng có lấy một người dám ra đồng làm ruộng. Bấy giờ, Tào Tháo sai người đi hiểu dụ tất cả bách tính vùng này tập hợp lại một chỗ, sau đó công khai thiết lập quân kỷ: “Ta phụng chiếu vua đem quân đi đánh giặc, trừ hại cho dân. Nay đang mùa lúa chín, bất đắc dĩ phải khởi binh. Quân tướng lớn nhỏ đi qua các ruộng, ai giẫm lên lúa đều bị chém. Quân pháp thực nghiêm, nhân dân không việc gì phải lo sợ cả”. Trăm họ nghe được lời dụ ấy, ai ai cũng vui mừng ca tụng. Quân lính cũng biết tính cách của Tào Tháo nên chẳng hề dám đi lại bừa bãi, mỗi lần qua ruộng lúa đều phải xuống ngựa, lấy tay đỡ từng bông lúa mạch, lần lượt truyền tay nhau mà đi. Tuy nhiên, khi đang hành quân trong ruộng lúa có một chú chim bay vút lên, làm kinh động đến xe ngựa của Tào Tháo. Chú ngựa bị giật mình đã chạy vào ruộng lúa, giẫm lên một mảnh ruộng lúa mạch nhỏ. Tào Tháo lập tức gọi quan viên tùy tùng tới, yêu cầu trị tội mình vì đã đạp lên ruộng lúa. Sau khi được các quần thân can ngăn, Tào Tháo liền cắt tóc thay đầu, truyền lệnh cho ba quân được biết. Cổ nhân cho rằng “Thân thể, tóc và da đều do cha mẹ ban cho”. Cắt tóc là một chuyện rất hệ trọng. Do đó hành động này của Tào Tháo cũng là một hình thức tự trừng phạt vô cùng nghiêm khắc. Tào Tháo cắt tóc, vừa có thể giữ uy tín trước mặt tướng sĩ của mình, cũng đắc được lòng dân, lại giữ được sự thành tín, trung thực, đã nói là làm.

“Minh sư xuất cao đồ”
Thầy giỏi sẽ sinh trò tuấn kiệt.

Thành ngữ có câu: “chọn bạn mà chơi, chọn thầy mà học, chọn người để lấy, chọn việc để làm, chọn lẽ để sống, chọn nơi để ở”. Ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Trong cuộc sống cũng vậy, môi trường sống ảnh hưởng tới việc kết bạn xấu hay tốt. Việc chọn bạn, chọn thầy, chọn bạn đời, rất quan trọng với mỗi người, gần như quyết định sự sang hèn của bạn sau này. Tựu chung lại, họ đều là những người thầy của ta, là người chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, để lắng nghe, để hiểu và để cảm thông nhưng cũng thẳng thắn, chân thành và không xu nịnh.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

Thầy cô giáo như những người cha, người mẹ thứ 2 của ta. Nếu như cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục thì thầy cô giáo cũng có công dạy dỗ, giáo dục ta, giúp ta trở thành một người hoàn thiện về cả nhân cách lẫn trí tuệ. Thầy cô giáo truyền dạy cho ta những kiến thức khoa học phong phú, bổ ích, mang lại cho ta những bài học đạo đức, đạo lí làm người sâu sắc. Người thầy ở đây không chỉ người thầy trong phạm vi nhà trường, mà kể cả những người thầy xã hội, hay đơn giản những người cho ta những lời khuyên, chỉ bảo chân thành. Công lao to lớn đó là không thể phủ nhận và chối bỏ được.
“Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích” thì “Bất kính ân sư, học hành vô ích”