Văn hóa truyền thống

Văn hóa truyền thống

VĂN KHẤN VÀ CÁC PHONG TỤC TẾT TRUNG THU

Theo phong tục người Việt chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu. Tết Trung Thu (chữ Nôm: 節中秋) theo Âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Trẻ em rất mong đợi ngày này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he,… và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng, múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.

Tết Trung Thu là lễ hội tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như: Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore.

Tết Trung thu tại Việt Nam. 

Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và đặt biệt là Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.

Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (Ngọc Lũ là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước to lớn, hình dáng cổ kính, tập trung hoa văn phong phú nhất, hiện được tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục hát trống quân có từ đời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà, Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân.

Cũng theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, dân ta làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng, cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi. Đồ chơi trẻ em trong Tết trung thu là các thứ bồi bằng giấy như đèn ông sao, đèn kéo quân, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,….Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.

Cũng trong dịp này mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu.

Tết Trung thu trong văn học – nghệ thuật

Ca dao, tục ngữ

  • Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
  • Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.

Thơ, văn

Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung thu với các câu thơ:

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng mây thế mới vui

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Nhà thơ Nguyễn Du

Khi chén rượu khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên

Câu hát về Tết Trung thu

Bài Chiếc đèn ông sao: (Nhạc sĩ: Phạm Tuyên)

Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu

Cán đây rất dài, cán cao qua đầu

Em cầm đèn sao em hát vang vang

Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan…tùng dinh dinh là tùng tùng dinh

Văn khấn Thần Linh và Gia tiên.

Nam mô a di Đà Phật! (Lặp lại 3 lần, vái lại 3 vái)

  • Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
  • Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vi Tôn thần.
  • Con kính lạy ngài đương niên Thái tuế chí đức tôn thần
  • Con kính lạy Thành Hoàng bản cảnh
  • Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân
  • Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch
  • Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần
  • Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần
  • Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
  • Con kính lạy Cửu huyền thất tổ, Hội đồng bà cô, Hội đồng ông mãnh, Gia tiên, Chư vị hương linh dòng họ……../.

Tín chủ (chúng) con là:……………………………………..

Ngụ tại:…………………………………….. ……………………

Hôm nay là ngày rằm tháng 8, gặp tiết Trung thu, tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân, trà quả, đốt nén hương thơm dâng lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa, Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này – Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời, thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông, người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con thành tâm kính mời: Hội đồng bà cô, Hội đồng ông mãnh, Gia tiên, Chư vị hương linh dòng họ…giáng về linh sàng chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho con cháu bình an, gia cảnh hưng long thịnh vượng.

Tín chủ con lại xin tạ ơn các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đã đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật! (Lặp lại 3 lần, vái lại 3 vái)

(Thông tin để quý độc giả tham khảo)